Mở rộng đào tạo ngành vi mạch bán dẫn


Trước cơ hội hấp dẫn của thị trường nhân lực vi mạch bán dẫn, một số trường đại học trên địa bàn thành phố đã mở ngành đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này trong kế hoạch tuyển sinh 2024 được công bố mới đây.

4931564644.jpg

Giảng viên Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) hướng dẫn sinh viên thiết kế hệ thống điều khiển thông minh

Các trường vào “đường đua”
Theo PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), thời gian qua, nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học các ngành liên quan đến lĩnh vực điện tử, viễn thông, kỹ thuật máy tính. Trong chương trình đào tạo các ngành này, sinh viên được cung cấp những kiến thức, kỹ năng liên quan đến vi mạch như: công nghệ vi mạch, thiết kế vi mạch số, lập trình nhúng, công nghệ IoTs...
Tuy nhiên, trước nhu cầu cấp thiết của thị trường nhân lực vi mạch bán dẫn, nhà trường triển khai xây dựng đề án mở chuyên ngành thiết kế vi mạch và tuyển sinh khóa kỹ sư đầu tiên trong năm 2024 với khoảng 50 sinh viên. Đồng thời, nhà trường đang hoàn thành xây dựng đề án đào tạo trình độ thạc sĩ về IoT và vi mạch bán dẫn. Ngoài ra, trường chủ động tham gia các hội nghị, hội thảo cũng như các buổi làm việc với lãnh đạo thành phố, đại diện lãnh đạo của các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, nhằm tìm kiếm các cơ hội hợp tác để phát triển đào tạo nhân lực lĩnh vực vi mạch tại trường.
Tương tự, PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho biết, mùa tuyển sinh năm 2024, nhà trường mở mới chuyên ngành vi điện tử - thiết kế vi mạch để cung cấp nguồn nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Dự kiến, trường tuyển khoảng 100 chỉ tiêu (tổng chỉ tiêu tuyển sinh 3.600 chỉ tiêu). Ngành này chủ yếu ưu tiên xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh riêng.
Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (ĐH Đà Nẵng) cũng cho biết, nhà trường mở mới chuyên ngành thiết kế vi mạch bán dẫn với 40 chỉ tiêu tuyển sinh. Nhà trường cũng dự kiến chuyển tiếp 180 sinh viên các chuyên ngành gần và liên quan sang thiết kế vi mạch bán dẫn; triển khai các lớp đào tạo nhanh, tập huấn phối hợp với doanh nghiệp dự kiến tuyển sinh và đào tạo từ 60-100 chỉ tiêu hằng năm.

Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp chip bán dẫn
Để chuẩn bị tuyển sinh ngành vi mạch bán dẫn, trên cơ sở nền tảng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực có sẵn, các trường đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại. PGS.TS Phan Cao Thọ cho biết, nhà trường sử dụng đội ngũ giảng viên cơ hữu có chuyên môn về điện tử, kỹ thuật máy tính liên quan đến lĩnh vực bán dẫn gồm có 2 phó giáo sư, 8 tiến sĩ; tận dụng tối đa nguồn lực giảng viên của ĐH Đà Nẵng lĩnh vực chuyên ngành thiết kế vi mạch.
Bên cạnh đó, từ các quan hệ hợp tác, trường sẽ mời các chuyên gia trình độ cao đến từ các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tư vấn, giảng dạy, bồi dưỡng, hướng dẫn thực tập doanh nghiệp... Trước mắt, nhà trường sẽ cử đội ngũ giảng viên tham gia các khóa tập huấn, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn sâu về công nghệ vi mạch thông qua các chương trình của thành phố, Chính phủ và các doanh nghiệp về vi mạch.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật đang trong quá trình hoàn thiện dự án đầu tư vốn ODA xây dựng phòng thí nghiệm vi mạch bán dẫn và hệ thống Internet vạn vật (IoT) với hệ thống máy chủ, phần mềm bản quyền cho đào tạo thiết kế vi mạch, các thiết bị đo kiểm thử chip bán dẫn; hệ thống phần cứng các nền tảng IoT thế hệ mới.

13646461459568.jpg
Sinh viên Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) trong giờ học thực hành

Về phía Đại học Đà Nẵng, trong năm 2023, đơn vị đã ký kết biên bản hợp tác liên minh với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn. Mục tiêu của ký kết là phát huy tiềm năng, thế mạnh của các trường để thống nhất kế hoạch hành động và mở rộng cùng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tăng nhanh số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, nhằm hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp bán dẫn trong chuỗi giá trị chip bán dẫn toàn cầu từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp lớn, các nhà quản lý giáo dục cho rằng cần sàng lọc đầu vào và có chính sách hỗ trợ sinh viên theo ngành vi mạch bán dẫn. “Là ngành học dự báo nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn trong thời gian tới, nên sinh viên học ngành này sẽ có cơ hội nhận học bổng từ doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực đòi hỏi người kỹ sư bên cạnh kiến thức chuyên môn sâu rộng thì phải có niềm yêu thích đặc biệt với công việc thiết kế chi tiết, luôn có tinh thần ham học hỏi, cập nhật kiến thức, xu hướng công nghệ; kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm hiệu quả; có trình độ ngoại ngữ để tiếp thu được kiến thức, công nghệ và làm việc trong môi trường quốc tế.
Chính vì vậy, đầu vào cần tuyển được các thí sinh có nền tảng toán học, vật lý, ngoại ngữ... Nhà trường sẽ có các chính sách ưu tiên, hỗ trợ sinh viên chuyên ngành này để các em có động lực vươn lên, phát triển bản thân hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, đáp ứng nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp”, PGS.TS Phan Cao Thọ nói.

Đại học Đà Nẵng tuyển sinh gần 15.000 chỉ tiêu
Năm 2024, các trường thành viên Đại học Đà Nẵng mở thêm ngành mới đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật mở mới 2 chuyên ngành: Công nghệ ô-tô điện, Thiết kế vi mạch và dự kiến mở ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo. Trường ĐH Bách khoa mở mới chuyên ngành Điện tử viễn thông, Vi điện tử - Thiết kế vi mạch. Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn tuyển sinh mới với 4 mã ngành/chuyên ngành đào tạo gồm Thiết kế vi mạch bán dẫn, Marketing, Công nghệ truyền thông, An toàn thông tin.
Thông tin tương tự
Trang 1 / 22 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 Sau Cuối