Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ nhà trường ra đến thị trường


Đó chính là điều Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Đà Nẵng Vũ Thị Bích Hậu chia sẻ với các bạn sinh viên Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật tại Tọa đàm “Khởi nghiệp: Cơ hội và triển vọng” vào chiều 22/11.

 
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Đà Nẵng Vũ Thị Bích Hậu chia sẻ với các bạn sinh viên Trường đại học
 


Tăng cường kết nối dự án với doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước


Tại tọa đàm, đại diện Sở KH&CN, các doanh nghiệp đã được nghe 4 đề tài về ý tưởng và sản phẩm khởi nghiệp từ giảng viên và sinh viên trường, gồm: "Gậy phát hiện té ngã và yêu cầu hỗ trợ cho người già"; "Máy khắc laser"; "Màng sinh học bảo quản thực phẩm"; "Thiết bị cảnh báo, nhắc nhở ngồi sai tư thế làm việc quá lâu cho trẻ em và nhân viên văn phòng".

 
 Dự án "Gậy phát hiện té ngã và yêu cầu hỗ trợ cho người già" 

 
Dự án "Máy khắc laser".

 
Dự án "Màng sinh học bảo quản thực phẩm".

 

Dự án "Thiết bị cảnh báo, nhắc nhở ngồi sai tư thế làm việc quá lâu cho trẻ em và nhân viên văn phòng". 


Đây là những đề tài khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với mục tiêu ứng dụng công nghệ kỹ thuật và công nghệ thông tin vào quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm, hướng đến tạo nên những giá trị góp phần cải thiện chất lượng sức khỏe và cuộc sống con người, phát triển du lịch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

“Bản thân nhà trường luôn là cái nôi nuôi dưỡng những ý tưởng khởi nghiệp. Tuy nhiên, rất ít những ý tưởng “ra trường” mà vẫn có thể tiếp tục phát triển và ứng dụng vào thực tế. Nhìn nhận hiện trạng đó, chúng tôi không chỉ muốn nuôi dưỡng mà còn phải trở thành chiếc cầu kết nối những ý tưởng khởi nghiệp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà tư vấn, các đơn vị quản lý nhà nước… nhằm tạo tiền đề duy trì và hiện thực hóa dự án, mang đến những sản phẩm "đậm đặc" hơi thở công nghệ và dáng dấp cuộc sống", PGS. TS. Phan Cao Thọ, Phó hiệu trưởng Trường Sư phạm Kỹ thuật cho biết.

Ông Lê Văn Hiểu,Tổng Giám đốc Công ty SEATECH nhấn mạnh: “Những dự án khởi nghiệp gắn liền với đổi mới sáng tạo thường dễ thành công hơn những dự án khởi nghiệp thông thường. Bởi chính cái mới tạo nên tính hấp dẫn cho một dự án khởi nghiệp. Tuy nhiên, một dự án thuộc về ứng dụng công nghệ phải cần một quá trình đào sâu và nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng mới có thể thương mại hóa được sản phẩm. Đây là cả một quá trình học tập dài lâu của các bạn chủ dự án”.

 
Những trao đổi tại tọa đàm thảo luận hướng phát triển và thương mại hóa sản phẩm trong tương lai.


Về vấn đề này, bà Vũ Thị Bích Hậu, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: “Sở hiện đang là đầu mối cho tất cả các dự án liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Sở luôn sẵn sàng hỗ trợ sinh viên, đặc biệt là quá trình đăng ký bản quyền, các thủ tục, chứng chỉ và các quy trình pháp lý có liên quan”.  

“Ý tưởng của dự án được hình thành từ quá trình quan sát và phát hiện ra những vấn đề gần gũi ở chung quanh. Từ đó mong muốn vận dụng dụng kiến thức bản thân đang nghiên cứu và học tập vào việc tạo ra những sản phẩm hữu ích cho xã hội, và dự án này là một ví dụ. Nhưng qua trao đổi tại tọa đàm, mình nhận ra, chỉ giải pháp công nghệ thôi là chưa đủ. Vì vậy, trong tương lai gần, mình muốn được trau dồi hơn nữa những kỹ năng khởi nghiệp, kinh doanh để có thể mang được sản phẩm ra thị trường”, sinh viên Nguyên Văn Linh, thành viên thuộc dự án khởi nghiệp “Thiết bị cảnh báo, nhắc nhở ngồi sai tư thế làm việc quá lâu cho trẻ em và nhân viên văn phòng” chia sẻ.

Tận dụng sức mạnh công nghiệp 4.0 

Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật cũng đã phối hợp với Google Việt Nam, tổ chức sự kiện “Khởi nghiệp cùng Google”. Đây là chương trình thuộc chuỗi hoạt động Việt Nam Digital 4.0 nhằm xây dựng nền tảng bước đầu cho sinh viên về thị trường, các chiến lược kinh doanh bằng các công cụ miễn phí mà hiệu quả.

Đồng thời, góp phần trang bị kiến thức mới mẻ, hiện đại, tạo nhân tố nền tảng cho các dự án khởi nghiệp trong nhà trường, nâng tầm giá trị, tạo cơ hội để hòa nhập vào xu hướng kỹ thuật số tất yếu đang ngày càng mạnh mẽ trên toàn cầu.

Chương trình đã tập trung vào 3 nội dung: Xây dựng một thương hiệu dễ nhớ và Chiến lược truyền thông trên mạng xã hội; Hướng dẫn tạo một website đơn giản và Tăng hiển diện doanh nghiệp trên Google; Tăng hiển diện doanh nghiệp trên tìm kiếm và Hiểu về doanh nghiệp từ các dữ liệu.

 
Diễn giả của chương trình mang đến nhiều thông tin bổ ích cho các bạn sinh viên đang ươm mầm 
những ý tưởng khởi nghiệp.


“Ở đây chúng ta nói nhiều về việc nuôi dưỡng một dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ nhà trường ra đến thị trường. Vì vậy, việc trang bị những kiến thức về một công cụ cụ thể có khả năng lớn trong việc thương mại hóa được sản phẩm khởi nghiệp, như Google cho sinh viên là vô cùng thiết thực. Điều này sẽ giúp các bạn có định hướng rõ ràng hơn cũng như tận dụng được sức mạnh của Cuộc cách mạng Công nghệ 4.0 trong việc phát triển dự án của mình”, PGS. TS. Phan Cao Thọ, Phó hiệu trưởng Trường Sư phạm Kỹ thuật cho biết.

 

"Chương trình sẽ giúp sinh viên có định hướng rõ ràng hơn cũng như tận dụng được sức mạnh của Cuộc cách mạng Công

 nghiệp 4.0 trong việc phát triển dự án của mình”, PGS. TS. Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Sư phạm Kỹ thuật cho biết. 


Anh Dương Phúc Toàn, diễn giả tại Chương trình “Khởi nghiệp cùng Google” cũng chia sẻ: “Đa phần các dự án khởi nghiệp sinh viên đều “chết yểu” là do các bạn phát triển sản phẩm từ “những gì mình có” chứ không phải là “những gì thị trường cần”. Vì vậy, chương trình này sẽ chỉ ra cho các bạn những vấn đề cần thiết, nên làm trước khi tạo nên một sản phẩm của dự án khởi nghiệp. 
Đồng thời bước đầu phân biệt những khái niệm về khách hàng mục tiêu, bao gồm khách hàng, người sử dụng, người ảnh hưởng; hình thành kỹ năng tăng giá trị cho thương hiệu và chọn câu chuyện để kể về thương hiệu… nhằm phát triển bền vững một dự án khởi nghiệp giàu tiềm năng”.


Xuân Dương

Thông tin tương tự
Trang 1 / 22 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 Sau Cuối