Xây dựng truyền thông trường đại học trước xu hướng phát triển công nghệ AI


Đây là lần thứ hai Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – Đại học Đà Nẵng tổ chức hội thảo về lĩnh vực truyền thông, thu hút nhiều nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, báo chí, quan hệ công chúng tham gia, tạo nên uy tín trong cộng đồng khoa học.


4.jpg

Toàn cảnh hội thảo


Hội thảo nhận được 47 bài báo của 89 tác giả đến từ 38 cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đại học trên cả nước, tập trung vào 3 chủ đề chính như: Thách thức, cơ hội khi ứng dụng AI vào truyền thông và truyền thông trường đại học; ứng dụng của AI trong truyền thông; thực trạng, giải pháp, kinh nghiệm xử lý khủng hoảng và nâng cao hiệu quả truyền thông tại các trường đại học…

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng trao đổi, bàn luận về truyền thông, AI và những vấn đề có liên quan, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông tại các trường đại học trong kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng cho rằng, hội thảo là nền tảng, cơ hội để các lãnh đạo, chuyên gia, nhà báo, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên trên cả nước chia sẻ kinh nghiệm truyền thông, quảng bá và xây dựng hình ảnh, uy tín của nhà trường; học tập kinh nghiệm ứng dụng công nghệ AI để quản lý, biên tập, sáng tạo nội dung truyền thông, tự động quá trình sản xuất sản phẩm truyền thông… Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông tại mỗi đơn vị, phục vụ mọi hoạt động, đặc biệt là công tác tuyển sinh và xây dựng, phát triển học hiệu của các cơ sở giáo dục đại học.

Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng Nguyễn Mạnh Toàn nhấn mạnh, trong bối cảnh chuyển đổi số và sự bùng nổ của công nghệ trí tuệ nhân tạo diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, vấn đề truyền thông trường đại học đóng vai trò then chốt, không chỉ trong việc quảng bá hình ảnh và thương hiệu của nhà trường mà còn góp phần nâng cao uy tín, vị thế của trường trong cộng đồng.

Thảo luận truyền thông "confession" tác động đến sinh viên, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quốc Minh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, các trường đại học cần nhìn nhận, đánh giá và có những định hướng đúng đắn về cách thức truyền thông, đạo đức truyền thông trên "confession"; nên gắn liền với sinh viên và môi trường giáo dục đại học để từ đó phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực, tránh khủng hoảng truyền thông.

Tin, ảnh: Võ Văn Dũng (TTXVN)

Thông tin tương tự
Trang 1 / 27 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 Sau Cuối