Hội thảo khoa học “Tận dụng phế thải công
nghiệp trong sản xuất bê tông bền”
Với mục tiêu hạn
chế sử dụng các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường hướng tới giảm thiểu khí
thải cacbon và phát triển bền vững trong lĩnh vực xây dựng, việc tận dụng phế
thải công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng đang là một giải pháp được
quan tâm đặc biệt. Nhằm tạo diễn đàn trao đổi về vấn đề này, vào lúc 08h30 ngày
23/05/2024, Khoa Kỹ thuật Xây dựng (KTXD) thuộc Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật
(ĐHSPKT), Đại học Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo khoa học "Tận Dụng Phế Thải
Công Nghiệp Trong Sản Xuất Bê Tông Bền" tại phòng họp 1 và qua Google
Meet.
Tham dự hội thảo,
về phía khách mời có TS. Huỳnh Ngọc Hào, Giám đốc Phân hiệu Đại học Xây dựng
Miền Trung tại Đà Nẵng. Về phía trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật có TS. Hồ Văn
Quân, Phó trưởng phòng phụ trách phòng Cơ sở vật chất, và TS. Nguyễn Minh Tiến,
Phó trưởng phòng phụ trách phòng Quản lý Khoa học & Hợp tác Quốc tế. Về
phía lãnh đạo Khoa Kỹ thuật Xây dựng có TS.KTS. Phan Tiến Vinh, Trưởng khoa,
Trưởng ban tổ chức, cùng các giảng viên, sinh viên các chuyên ngành Kiến trúc &
Xây dựng thuộc Khoa KTXD, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật và các trường đại học
có đào tạo chuyên ngành Kiến trúc & Xây dựng tại thành phố Đà Nẵng.
Phát biểu khai mạc
hội thảo, TS.KTS. Phan Tiến Vinh (Trưởng khoa KTXD) đã nhấn mạnh tầm quan trọng
của việc nghiên cứu tận dụng phế thải công nghiệp vào ngành sản xuất vật liệu
xây dựng nói chung và trong sản xuất bê tông
xanh nói riêng nhằm giải quyết các thách thức hiện nay, như: cạn kiệt tài
nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu, …
Hình 1 - TS. KTS.
Phan Tiến Vinh - Trưởng Khoa KTXD phát biểu khai mạc Hội thảo
Hình 2 - TS. KTS.
Phan Tiến Vinh và PGS.TS. Nguyễn Thế Dương chủ trì hội thảo
TS. Võ Duy Hải,
giảng viên Khoa KTXD, đã mở đầu hội thảo với báo cáo chuyên đề “Vữa/Bê tông
xanh sản xuất từ phế thải xỉ thép kết hợp với phế thải công nghiệp: Tính chất
cơ học và Độ bền”. Nội dung báo cáo cung cấp một giải pháp khoa học để cải
thiện các đặc tính của phế phẩm công nghiệp xỉ thép, từ đó sử dụng xỉ thép như
cốt liệu để thay thế cho cốt liệu tự nhiên trong sản xuất vữa và bê tông. Báo
cáo đã giới thiệu phương pháp thiết kê bê tông xanh với hàm lượng thấp xi măng
mang lại hiệu quả thân thiện với môi trường, đồng thời thể hiện những kết quả
khả quan về đặc tính kỹ thuật và độ bền.
Hình 3 – TS. Võ Duy Hải
báo cáo tại hội thảo
Trong báo cáo tiếp
theo tại hội thảo, được thực hiện qua Google Meet. TS. Phan Thanh Ngọc, Trợ lý
giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Yokohama, Nhật Bản và giảng viên Khoa
KTXD, đã trình bày báo cáo số 2 với chủ đề “Thiết kế bê tông bền sử dụng nhiều
phương pháp bảo vệ tích hợp”. Báo cáo đã giới thiệu một phương pháp thiết kế
bền “cải tiến” cho kết cấu bản mặt cầu bê tông cốt thép (BTCT) có sử dụng phế
thải công nghiệp như xỉ lò cao và tro bay. Phương pháp này đã thể hiện được
tính khả thi cũng như hiệu quả kinh tế khi áp dụng vào các công trình thực tế
tại vùng Tohoku, Nhật Bản. Ngoài ra, báo cáo còn giới thiệu các giải pháp giảm
ứng suất nhiệt và ứng suất thi công nhằm hạn chế vết nứt ngang trong bản mặt
cầu BTCT, hướng tới đảm bảo tính bền cao thỏa mãn điều kiện làm việc theo thiết
kế, dưới sự tác động của các yếu tố thời tiết và môi trường khắc nghiệt. Cuối
cùng, báo cáo cũng giới thiệu một số định hướng liên quan đến bài toán giảm ứng
suất nhiệt, hạn chế vết nứt trong tường BTCT khối lớn, mở ra cơ hội hợp tác
nghiên cứu hay chuyển giao công nghệ tới các cá nhân, đơn vị doanh nghiệp có
quan tâm.
Hình 4 – TS. Phan
Thanh Ngọc báo cáo tại hội thảo
Trong phần báo cáo
số 3 tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh, giảng viên Khoa Kỹ thuật Xây dựng,
Trường Bách Khoa, Đại học Cần Thơ, đã chia sẻ chuyên đề “Đánh giá tương đối
hiệu quả sử dụng xi măng sản xuất vữa/bê tông sử dụng hệ số cường độ”. Báo cáo
đã đưa ra góc nhìn mới về tính hiệu quả của việc sử dụng xi măng trong sản xuất
vữa/bêtông thông qua phương pháp đánh giá hệ số cường độ.
Hình 5 – PGS.TS. Nguyễn
Hoàng Anh báo cáo tại hội thảo
Sau gần 3 giờ làm
việc, hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi chuyên môn sôi nổi - bằng
hình thức trực tiếp và trực tuyến - từ các khách mời, giảng viên và sinh viên,
góp phần làm phong phú thêm nội dung và kết quả thảo luận.
Hình 6 – Trao đổi ý
kiến tại hội thảo
Hội thảo đã thu hút
đông đảo các bạn sinh viên Khoa KTXD tham gia, thể hiện sự quan tâm nghiên cứu
khoa học và ứng dụng công nghệ mới vào thực tiễn.
Hình 7 – Đông đảo các
bạn sinh viên tham gia hội thảo
Hình 8 – Ban tổ chức,
khách mời, giảng viên tham dự, theo hình thức trực tiếp, chụp ảnh lưu niệm sau
Hội thảo.