Ngày nay, phát triển kiến trúc bền vững đã trở thành xu hướng tất yếu của kiến trúc Việt Nam. Có nhiều giải pháp để hướng đến sự bền vững cho công trình Kiến trúc. Một trong những giải pháp cơ bản và quan trọng nhất là các giải pháp thiết kế thụ động.
Với mục tiêu tạo cơ hội để các kiến trúc sư đang hành nghề thiết kế, giảng viên và sinh viên chuyên ngành kiến trúc có dịp trao đổi về các vấn đề: giải pháp thiết kế thụ động, kiến trúc bền vững, kiến trúc hiệu quả năng lượng, ... vào lúc 14h thứ Năm, ngày 5 tháng 10 năm 2017, Khoa Kỹ thuật Xây dựng (trường CĐCN) phối hợp với Khoa Kiến trúc (trường ĐH. Bách khoa) và Khoa Kiến trúc (trường ĐH. Duy Tân) - đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Giải pháp thiết kế thụ động hướng đến Kiến trúc bền vững”
Tham dự Hội thảo, có PGS. TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường CĐCN; TS. Phan Quí Trà, Trưởng phòng QLKH&HTQT (trường CĐCN); ThS. KTS Trương Văn Ngọc, Chánh văn phòng Hội KTS Tp. Đà Nẵng; Đại diện Ban chủ nhiệm và giảng viên đến từ các Khoa: Khoa Kiến trúc (trường ĐH. Bách khoa); Khoa Kiến trúc (trường ĐH. Duy Tân); Khoa Kiến trúc (trường ĐH. Kiến trúc Đà Nẵng), Khoa Công nghệ (trường Cao đẳng Bách khoa), … cùng các giảng viên và sinh viên của Khoa KT Xây dựng.
Hình 1: Toàn cảnh hội thảo chuyên đề “Giải pháp thiết kế thụ động hướng đến kiến trúc bền vững”
Phát biểu đề dẫn do ThS. KTS Phan Tiến Vinh (Trưởng khoa, Khoa KT Xây dựng) đã nêu lên: xu hướng phát triển bền vững trong kiến trúc; khái niệm về “thiết kế kiến trúc thụ động”; một số giải pháp thiết kế kiến trúc thụ động phổ biến đang áp dụng hiện nay, như: thông gió tự nhiên, che nắng, chiếu sáng tự nhiên, kiểm soát dòng nhiệt ra vào công trình bằng các giải pháp cấu tạo kiến trúc, …;… Thuật ngữ “thiết kế kiến trúc thụ động” đã được sử dụng ngày càng phổ biến ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Những vấn đề liên quan đến thiết kế thụ động luôn nhận được sự quan tâm của các Kiến trúc sư đang hành nghề, giảng viên và sinh viên chuyên ngành kiến trúc.
Hình 2: TS. KTS Nguyễn Anh Tuấn và ThS. KTS Phan Tiến Vinh chủ trì hội thảo
Mở đầu chương trình Hội thảo, TS. KTS Nguyễn Anh Tuấn (Phó trưởng khoa, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa) đã trình bày chuyên đề "Tối ưu hóa tiện nghi nhiệt trong căn hộ chung cư được thông gió tự nhiên". Nội dung báo cáo đi sâu vào nghiên cứu khả năng ứng dụng vào thực tiễn thiết kế kiến trúc để giải quyết bài toán vừa tối ưu về điều kiện tiện nghi, vừa tối ưu về giá thành xây dựng và đánh giá được hiệu quả của phương pháp thiết kế tối ưu hóa so với phương pháp hiện tại. Đặc biệt, tác giả cũng đã giới thiệu công cụ Plug-in Tối ưu hóa dành cho chương trình mô phỏng năng lượng công trình EnergyPlus. Đây thực sự là một công cụ hữu ích dành cho các Kiến trúc sư trong thiết kế kiến trúc theo hướng bền vững.
Hình 3: TS. KTS Nguyễn Anh Tuấn trình bày báo cáo tại hội thảo
Trong báo cáo chuyên đề: "Hiệu quả thông gió tự nhiên của các hình thức Mặt bằng tầng điển hình trong thiết kế Chung cư cao tầng", ThS. KTS Phan Tiến Vinh tập trung phân tích đặc điểm và đánh giá hiệu quả thông gió tự nhiên của các hình thức mặt bằng tầng điển hình cơ bản trong thiết kế chung cư cao tầng. Từ đó, tác giả đưa ra những khuyến cáo cho việc lựa chọn hình thức mặt bằng tầng điển hình trong việc thiết kế chung cư cao tầng trong điều kiện khí hậu của Việt Nam. Thông qua nội dung báo cáo, tác giả cũng đã giới thiệu phần mềm Autodesk CFD, một trong những phần mềm được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu thông gió cho công trình.
Hình 4: ThS. KTS Phan Tiến Vinh trình bày báo cáo tại hội thảo
ThS. KTS Lương Xuân Hiếu (Phó trưởng khoa, Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Duy Tân) trình bày báo cáo thứ 3 với tiêu đề “Giải pháp thiết kế che nắng cho công trình”. Trong chuyên đề này, tác giả đã nêu lại tổng quan các lý thuyết trong tính toán che nắng cho công trình, đề xuất các giải pháp cho việc nâng cao hiệu quả che nắng cho công trình giới thiệu một số công trình có giải pháp che nắng hiệu quả.
Hình 5: ThS. KTS Lương Xuân Hiếu trình bày báo cáo tại hội thảo
Các báo cáo tại Hội thảo đều nhận được sự quan tâm và thảo luận sôi nổi của khách mời, giảng viên và sinh viên tham dự. Các ý kiến tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ những nội dung chính liên quan đến các vấn đề, như: tiện nghi nhiệt, phương pháp tối ưu hóa trong thiết kế, thông gió tự nhiên trong chung cư cao tầng, ứng dụng phần mềm mô phỏng CFD vào thiết kế, các giải pháp thiết kế che nắng cho công trình, khả năng áp dụng các đề xuất của các báo cáo trong thực tiễn thiết kế kiến trúc ở Việt Nam, ...
Sau gần 3 giờ trao đổi và thảo luận, Hội thảo đã kết thúc vào lúc 16h45 cùng ngày.
Một số hình ảnh tại Hội thảo.
Hình 6: ThS. KTS Lê Hoàng Ngọc Phương (Trưởng khoa, Khoa Công nghệ, trường Cao đẳng Bách khoa) phát biểu tranh luận tại Hội thảo
Hình 7: ThS. KTS Lê Thị Kim Anh trao đổi với các báo cáo viên về các vấn đề liên quan đến thiết kế thụ động
Hình 8: ThS. KTS Võ Thị Vỹ Phương trao đổi về ứng dụng các công cụ mô phỏng vào đào tạo và thực tiễn thiết kế kiến trúc.
Hình 9: ThS. KTS Lê Thanh Hòa nêu lên một số ý kiến về tiện nghi nhiệt và tiện nghi gió cho các căn hộ trong chung cư. Hình 10: ThS. KTS Lưu Hoàng Long (Hội kiến trúc sư Tp. Đà Nẵng) trao đổi về việc sử dụng các loại vật liệu cho mục đích che nắng và cách nhiệt.
Hình 11: Ban tổ chức hội thảo chụp hình lưu niệm.