Hội thảo chuyên đề “Quy hoạch giao thông đô thị hướng đến sự phát triển bền vững” tại Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Cao đẳng Công nghệ.


Ngày nay, định hướng phát triển bền vững đã trở thành quốc sách hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với định hướng đó, Việt Nam đã và đang triển khai nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững trên tất cả lĩnh vực.
Nhằm tạo cơ hội cho các nhà thiết kế, nhà quản lý, các thầy cô giáo và sinh viên thuộc chuyên ngành cầu đường & hạ tầng đô thị cùng nhau thảo luận về các vấn đề như: quy hoạch giao thông; quy hoạch giao thông hướng đến phát triển bền vững; ứng dụng các phần mềm để giải quyết các bài toán quy hoạch giao thông đô thị; xây dựng mô hình phục vụ công tác dự báo trong quy hoạch giao thông; … vào lúc 14h thứ Sáu 19/10/2017 tại Phòng họp 1 (Trường Cao đẳng Công nghệ), Khoa KT Xây dựng đã tổ chức Hội thảo với chuyên đề “Quy hoạch giao thông đô thị hướng đến sự phát triển bền vững”.
Đến dự Hội thảo, về phía khách mời, có PGS. TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường CĐCN; TS. Phan Quí Trà, Trưởng phòng QLKH&HTQT; ông Trần Dân, Phó chủ tịch hội KHKT Cầu đường Tp. Đà Nẵng; đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cầu đường; các giảng viên đến từ các Khoa: Khoa Cầu đường (ĐH. Bách khoa), Khoa Cầu đường (ĐH. Kiến trúc Đà Nẵng). Về phía Khoa KT Xây dựng có sự tham dự của BCN Khoa, các Trưởng bộ môn, các thầy cô và sinh viên các chuyên ngành cầu đường - hạ tầng thuộc Khoa KT Xây dựng.

 1.jpg
Hình 1: Toàn cảnh Hội thảo
Trong phần phát biểu khai mạc Hội thảo, ThS. KTS Phan Tiến Vinh (Trưởng khoa, Khoa KT Xây dựng) đã khẳng định “giao thông đô thị luôn giữ một vai trò trọng yếu và là huyết mạch của đô thị”. Mạng lưới đường giao thông liên kết các chức năng đô thị, tạo lập cấu trúc và quyết định đến sự phát triển của đô thị. Vì vậy, quy hoạch giao thông đô thị bền vững là một trong những tiền đề và yếu tố quyết định đến sự phát triển bền vững của một đô thị, hướng đến sự phát triển bền vững của một quốc gia.
Trong thực tiễn, giao thông đô thị đã và đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với phát triển bền vững của đô thị, như: sự ùn tắc giao thông; ô nhiễm không khí; sự phát triển quá nhanh của các phương tiện giao thông cá nhân, phương tiện giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; năng lực quản lý, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao; việc ứng dụng các công nghệ mới vào công tác quy hoạch giao thông còn nhiều hạn chế, … Để giải quyết vấn đề giao thông đô thị, hướng tới phát triển bền vững, trong công tác quy hoạch giao thông đô thị cần phải có cách tiếp cận tích hợp, đa ngành, lồng ghép quy hoạch giao thông với quy hoạch của các lĩnh vực, hoàn thiện công tác quản lý giao thông, … đặc biệt là khai thác các ứng dụng của công nghệ thông tin.
Trong báo cáo đầu tiên tại Hội thảo, với chuyên đề “Ứng dụng tính năng phân tích mạng lưới của ARCGIS để giải quyết một số bài toán trong quy hoạch đô thị”, ThS. Nguyễn Văn Đăng (GV Khoa Cầu đường, Trường ĐH. Kiến trúc Đà Nẵng) đã giới thiệu một số tính năng của ARCGIS như: tìm đường đi, phân tích diện phủ, tính toán ma trận trở kháng, tìm hành trình tối ưu, … Ứng dụng của ARCGIS trong công tác quy hoạch giao thông đô thị được tác giả giới thiệu qua các bài toán: tìm vị trí bãi đỗ xe trong đô thị, quy hoạch hệ thống xe buýt, xây dựng ma trận trở kháng (O-D Cost Matrix).

2.jpg 
Hình 2: ThS. Nguyễn Văn Đăng trình bày Báo cáo 1
 Trong báo cáo số 2, ThS. Cao Thị Xuân Mỹ (GV Khoa KT Xây dựng, Trường CĐCN) trình bày chuyên đề “Xây dựng mô hình phát sinh chuyến đi phục vụ dự báo nhu cầu giao thông và quy hoạch giao thông cho khu vực miền Trung, Việt Nam”. Nội dung báo cáo tập trung vào các vấn đề: quy hoạch giao thông và dự báo nhu cầu giao thông; hệ thống giao thông đô thị; mô hình 4 bước dự báo nhu cầu giao thông, mô hình phát sinh chuyến đi, mô hình hồi quy tuyến tính đơn biến và đa biến. 

3.jpg 
Hình 3: ThS. Cao Thị Xuân Mỹ trình bày Báo cáo 2
Theo các tác giả, các phần mềm và mô hình - được nêu trong 2 báo cáo - là các kỹ thuật được áp dụng từ lâu tại các nước phát triển. Nhưng để có thể áp dụng cho Việt Nam, cần có các nghiên cứu cụ thể cho đặc trưng giao thông Việt Nam. Các báo cáo tại Hội thảo đều nhận được sự quan tâm và thảo luận sôi nổi của khách mời, giảng viên và sinh viên tham dự.
Sau gần 3 giờ trao đổi và thảo luận, Hội thảo đã kết thúc vào lúc 16h45 cùng ngày.
Thông tin tương tự
Trang 1 / 24 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 Sau Cuối